...

AMS 2024 | Hội thảo chuyên đề 3: Hòa giải trong quá trình giải quyết tại trọng tài: Vai trò của bên thứ ba trung lập và tác động đối với việc xử lý tranh chấp

05 Tháng 4, 2024
 
Chuyên gia tại Hội thảo
 
Sáng nay, ngày 05 tháng 04 năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM (UEL) triển khai Hội thảo chuyên đề “Hòa giải trong quá trình giải quyết tại trọng tài: Vai trò của bên thứ ba trung lập và tác động đối với việc xử lý tranh chấp”. Đây là Hội thảo thứ ba thuộc khuôn khổ Chuỗi hoạt động Diễn đàn khoa học về trọng tài, hòa giải 2024 (tên tiếng Anh: Arbitration - Mediation Symposium 2024 - AMS 2024), lấy chủ điểm chính là “Bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài”, diễn ra từ ngày 22/3/2024 đến ngày 11/4/2024 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng khối viện, trường, cơ sở đào tạo Luật triển khai. Sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường cùng gần 150 người dự thính trên nền tảng trực tuyến.
 
PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
 
PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. Theo ông Nam đánh giá, hòa giải, trọng tài hay các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nói chung, thời gian qua, đã dần khẳng định được vị thế của mình, ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy vậy, một số quy định hướng dẫn về quy trình tố tụng trọng tài nói chung và cơ chế giải quyết tranh chấp trọng tài – hòa giải còn chưa hoàn thiện đang gây nên nhiều khó khăn cho Hôi đồng Trọng tài. Ông Nam lý giải, hiện nay, theo quy định của Luật TTTM, trong quá trình tiến hành tố tụng trọng tài, các bên có thể tự hòa giải hoặc yêu cầu Hội đồng Trọng tài hòa giải. Một mặt, quy định này giúp tạo điều kiện để các bên giải quyết tranh chấp theo cách thức hòa hảo hơn, đồng thời còn giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí. Mặt khác, trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài viên lại được yêu cầu trung lập, vô tư, khách quan được, nhằm giúp tranh chấp được giải quyết công bằng, minh bạch. Như vậy, với ý nghĩa làm rõ cơ sở lý luận, hướng đến đưa ra kiến nghị liên quan đến chủ đề này, ông Nam kỳ vọng Hội thảo sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích. Bên cạnh đó, việc cùng triển khai hội thảo này cũng thể hiện tinh thần hợp tác hiệu quả, thiện chí của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM (UEL).
 
LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
 
Đại diện Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng chia sẻ tới Hội thảo. Được biết đến như một phương thức giải quyết tranh chấp “vẹn toàn”, “thân thiện”, hòa giải luôn được khuyến khích. Khác với thương lượng, hòa giải yêu cầu phải có một bên thứ ba – “hòa giải viên” đóng vai trò trung lập, thúc đẩy các bên đạt hòa giải thành. Tuy nhiên, tính hiệu quả của hòa giải còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là khung pháp lý làm cơ sở cho quy trình hòa giải, giá trị của biên bản hòa giải thành v.v… Bên cạnh Hòa giải thương mại, quy trình hòa giải trong tố tụng trọng tài cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Luật TTTM cho phép điều này, mặc dù không bắt buộc nhưng thực tiễn xét xét tại VIAC cũng cho thấy Hội đồng Trọng tài có tinh thần tạo điều kiện để cách bên tiến hành hòa giải.
 
 
TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 
 
Tại hội thảo, TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có phần tham luận chia sẻ về hoạt động hòa giải trước tiên là trước khi thành lập Hội đồng Trọng tài với chủ đề “Hoạt động hòa giải ở các giai đoạn trước khi thành lập Hội đồng Trọng tài: Thỏa thuận của các bên và yếu tố “hòa giải viên””. Các phương thức giải quyết tranh chấp bên cạnh Tòa án bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài, bên cạnh đó có thể biết tới như các cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Ban Xử lý tranh chấp trong các hợp đồng xây dựng, thông qua sự xác định của chuyên gia (Expert Determination). Trên thực tế, cần phần biệt rõ các phương thức, bởi vai trò của “bên thứ ba” trong tố tụng trọng tài và hòa giải là hoàn toàn khác nhau. Trọng tài viên sẽ đóng vai trò như một người phán xét, đánh giá và đưa ra phán quyết dựa trên lập luận, bằng chứng mà các bên cung cấp. Trong khi đó, hòa giải viên lại đứng giữa, lắng nghe và cố gắng gắn kết hai bên thông qua việc phân tích, giàn xếp một cách hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, ông Thuận chia sẻ, hiện nay, phán quyết trọng tài có giá trị như một bản án của tòa án, mặt khác, biên bản công nhận hòa giải, xét về bản chất chỉ là hợp đồng giữa các bên.
 
LS. Phạm Quốc Tuấn - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC 
 
Nối tiếp phần trình bày của TS. Lê Nguyễn Gia Thiện, nhằm cung cấp thêm thông tin về quá trình này trong phiên họp giải quyết tranh chấp qua lăng kính thực tiễn, LS. Phạm Quốc Tuấn - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC cũng trình bày tại Hội thảo liên quan chủ đề “Thực tiễn quy trình hòa giải trong phiên họp giải quyết tranh chấp: Những xung đột có thể xảy ra và khuyến nghị phạm vi chỉ thị của Hội đồng Trọng tài”. Ông Tuấn liệt kê một số xung đột có thể xảy ra trong quá trình hòa giải trong phiên họp giải quyết tranh chấp, có thể kể tới các trường hợp như: (i) Hội đồng Trọng tài đưa ra các hướng dẫn, đề nghị chi tiết nhằm điều phối hòa giải dẫn đến tình trạng các bên hiểu nhầm rằng Hội đồng Trọng tài đã có quan điểm về kết quả vụ tranh chấp cho dù quan điểm của các TTV hay HĐTT chỉ mang tính kết luận sơ bộ; (ii) Trọng tài viên đóng vai trò như hòa giải viên hoặc/và vận dụng quy trình như đối với các vụ việc hòa giải thương mại; (iii) Hội đồng Trọng tài thúc đẩy hòa giải “quá mức”, kể cả trong trường hợp một trong hai bên yêu cầu không hòa giải, tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Những vấn đề phát sinh này sẽ gây cản trở tới quá trình giải quyết tranh chấp của các bên, do đó, ông Tuấn đề nghị HĐTT cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm bắt các xung đột, rà soát và cẩn trọng liên quan tới các xung đột vai trò “trọng tài viên”- “hòa giải viên”.
 
GS. Jeffrey E. Thomas - Phó Trưởng khoa về Sáng kiến Chiến lược & Chương trình sau Đại học, Giáo sư Luật, Học giả Daniel L. Brenner, Trường Luật, Đại học Missouri - Kansas City (UMKC) tham gia trực tuyến
 
Về góc độ kinh nghiệm quốc tế, GS. Jeffrey E. Thomas - Phó Trưởng khoa về Sáng kiến Chiến lược & Chương trình sau Đại học, Giáo sư Luật, Học giả Daniel L. Brenner, Trường Luật, Đại học Missouri - Kansas City (UMKC) đưa đến Hội thảo một số chia sẻ từ kinh nghiệm về một số mô hình hòa giải – trọng tài trên thế giới hiện nay với tham luận “Kinh nghiệm quốc tế: Quy trình lồng ghép hòa giải trong trọng tài và những khuyến nghị trong việc áp dụng”. Giống như nhiều quóc gia trên thế giới, trọng tài và hòa giải rất phổ biến tại Hoa Kỳ. Ở một số bang, hòa giải là bắt buộc. Quá trình hòa giải có thể được khởi sự bất cứ lúc nào với sự đồng thuận của các bên, tuy nhiên việc vận hành quy trình hòa giải – trọng tài song song để tiết kiệm thời gian cho các bên có được hay không, những mặt lợi và hại của nó cần được nghiên cứu thêm. Về bản chất, nếu các bên có thỏa thuận trọng tài viên vừa là hòa giải viên thì có thể xảy ra nhưng điều này thực sự ảnh hưởng tới tính bảo mật, khách quan của trọng tài viên vì kỹ năng của TTV và HGV là hoàn toàn khác nhau.
 
 LS. Ngô Quỳnh Anh – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH EPLegal
 
LS. Ngô Quỳnh Anh – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH EPLegal trình bày tại Hội thảo tham luận với chủ đề “Kiến nghị về quy định liên quan đến hòa giải trong tố tụng trọng tài và lưu ý về vấn đề chuyển đổi phương thức giải quyết tranh chấp”. Theo bà Quỳnh Anh, trong số tất cả các lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp kết hợp, sự kết hợp trọng tài và hòa giải là phổ biến nhất. Hai phương thức này có một số đặc điểm tương đồng nhau, ví dụ như: tính bảo mật cao, có sự linh hoạt và có bên thứ ba trung lập trong việc giải quyết tranh chấp các tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp kết hợp bao gồm ba nhóm chính là Hòa giải – Trọng tài (“Med-Arb”), Trọng tài – Hòa giải (“Arb-Med”), Trọng tài – Hòa giải – Trọng tài (“Arb-Med-Arb”). Hiện tại, dù hòa giải trong tố tụng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp hỗn hợp có tiềm năng phát triển và đang được triển khai tại một số trung tâm. Nhưng việc thiếu các quy định pháp luật cụ thể và những vụ việc thực tiễn khiến cho việc áp dụng phương thức này còn gặp nhiều bất cập. Do đó, bà Quỳnh Anh nhấn mạnh tính cần thiết của các hướng dẫn rõ ràng, được tính toán kỹ lưỡng, có tính tiên lượng tốt và luật hóa trong các văn bản quy định về trọng tài trong tương lai.
 
 
Sau phần tham luận của các chuyên gia, phần thảo luận được điều phối bởi PGS. TS. Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIACLS. Lương Văn Lý – Cố vấn cấp cao GV Lawyers, Trọng tài viên VIAC đã diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt bởi các đại biểu tham dự cùng với đó là sự trao đổi, giải đáp kỹ lưỡng, nhiều thông tin giá trị đến từ các chuyên gia, khách mời.
 
Tài liệu sự kiện: Vui lòng xem tại ĐÂY
 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI